Chủ nhật, 28/04/2024

Khu vực:

Những di tích sinh vật hoá thạch được tìm thấy trên lãnh thổ đất nước ta

Suốt chiều dài lịch sử địa chất từ tiền Cambri cho đến ngày nay, hầu như giai đoạn nào cũng cũng để lại trên lãnh thổ Việt Nam những di tích hóa thạch, trong đó đa phần là những sinh vật biển. Sinh vật trên đất liền để lại dấu tích chủ yếu trong các tầng than đá tuổi Trias, những rừng cây của kỷ Jura và Neogen. Hệ động vật trên cạn gồm bò sát, động vật có vú, cá v.v.. để lại nhiều di tích trong vùng đầm lầy Na Dương tuổi Paleogen-Neogen và trong nhiều hang động, trong các di chỉ khảo cổ của Kỷ Đệ Tứ.

Những hoá thạch đầu tiên phải nhắc đến là hoá thạch san hô kỷ Devon có niên đại 410 – 380 triệu năm đa dạng về kích thước, hình dạng, thành phần loài được tìm thấy tại Tràng Xá, Thái Nguyên. Trong địa chất học, san hô được coi như tấm lịch diệu kỳ của tự nhiên. Hóa thạch san hô có thể giữ lại những đặc điểm hình thái và cấu trúc hiển vi của sinh vật thời nó tồn tại. Số lượng các gợn nhỏ đếm được giữa các vòng tăng trưởng của san hô cổ đại cho phép các nhà khoa học tính được số ngày dao động của từng thời kỳ.

San hô cổ đại bao gồm 03 phân lớp đã tuyệt chủng: San hô bốn tia (Tetracorallia); San hô vách đáy (Tabulata); San hô mặt trời (Heliolitoidea).

Hoá thạch san hô 4 tia tuổi Devon, tìm thấy tại Tràng Xá (Thái Nguyên)
Hóa thạch San hô vách đáy Favosites sp. tuổi Devon, tìm thấy tại Tràng Xá (Thái Nguyên)
Hoá thạch san hô Mặt trời Heliolitida tuổi Devon, tìm thấy ở Bản Nhuần

Hoá thạch Cúc đá (Ammonite) có niên đại 200 – 180 triệu năm được tìm thấy tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Cúc đá là tên gọi chỉ một nhóm các loài động vật không xương sống biển trong phân lớp Ammonoidea thuộc lớp chân đầu có mối quan hệ gần gũi với các loài Coleoid còn sống (bạch tuộc, mực ống và mực nang). Chúng xuất hiện trong Kỷ Devon (cách đây khoảng 420 triệu năm) và hiện nay đã tuyệt chủng. Với những xúc tu giống như mực kéo dài từ lớp vỏ nhiều lớp đặc biệt, Cúc đá từng là một trong những loài động vật săn mồi vùng biển đa dạng và thành công nhất trên Trái Đất. Các nhà khoa học đã xác định được hơn 10.000 loài từ các hóa thạch Cúc đá được phát hiện gần như khắp nơi trên thế giới. Trong suốt lịch sử lâu dài của mình, Cúc đá đã sống sót sau ba lần tuyệt chủng hàng loạt.

Hoá thạch động, thực vật tại Na Dương (Lạng Sơn) có niên đại 33 – 30 triệu năm gồm các loài cá sấu, rùa, ốc, trai, dương xỉ, thân gỗ lớn…

Na Dương là khu vực lộ trầm tích Đệ Tam cách đây khoảng 33 triệu năm, chứa phong phú di tích hoá thạch bậc nhất Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Các di tích hoá thạch động, thực vật phát hiện ở mỏ than Na Dương phản ánh môi trường đầm lầy thuộc miền khí hậu cận nhiệt đới, nóng ẩm trong Kỷ Đệ Tam. Sự thay đổi khí hậu từ nóng ẩm sang khô và lạnh hơn đã khiến các cánh rừng dương xỉ khổng lồ cổ đại bị tuyệt diệt và hình thành nên những mỏ than đá rộng lớn mà con người đang khai thác.

Hoá thạch mai rùa Na Dương (Banhxeochelys) tuổi Eocen, có niên đại 56 – 34 triệu năm
Hoá thạch thú than (Bakalovia Orientalis) tuổi Oligocene, có niên đại 23 – 33,9 triệu năm
Hoá thạch hàm cá sấu Na Dương tuổi Eocen, có niên đại 56 – 34 triệu năm
Hoá thạch ốc Na Dương
Hoá thạch ốc Na Dương
Hoá thạch hai mảnh vỏ có niên đại 34 – 23 triệu năm
Hóa thạch Cá sấu Orientalosuchus naduongensis, tuổi Paleogen
Hoá thạch thân cây Dương xỉ tuổi Paleogen
Hoá thạch thân cây Dương xỉ tuổi Paleogen

Hoá thạch Bọ ba thuỳ (Trilobita) có niên đại 400 – 250 triệu năm tìm thấy ở Hà Giang, Bắc Kạn. Bọ ba thuỳ thuộc ngành chân khớp, là lớp động vật biển đã bị tuyệt chủng. Đây là một trong những nhóm chân khớp cổ nhất trên Trái Đất. Chúng từng thống trị môi trường biển vào đầu Đại cổ sinh, với thành phần giống loài đa dạng và phân bố rộng rãi trên thế giới. Hoá thạch lâu đời nhất của Bọ Ba thuỳ được ghi nhận có niên đại từ Kỷ Cambri cách đây 521 triệu năm. Bọ Ba thuỳ tuyệt diệt trong một cuộc đại tuyệt chủng vào cuối kỷ Permi (khoảng 252 triệu năm trước), trước khi khủng long xuất hiện.

Hóa thạch Bọ ba thùy Ductina vietnamica tuổi Devon, tìm thấy tại Phú Lương (Bắc Kạn)
Hóa thạch Bọ ba thùy Ductina vietnamica tuổi Devon, tìm thấy tại Phú Lương (Bắc Kạn)
Hóa thạch Bọ ba thùy Ductina vietnamica tuổi Devon, tìm thấy tại Phú Lương (Bắc Kạn)

Các mẫu hoá thạch răng loài Voi răng kiếm (Stegodon) có niên đại từ 40.000 – 30.000 năm, được tìm thấy tại Quài Nưa (Điện Biên). Loài voi này từng sống cách đây 2,6 triệu năm, đã tuyệt chủng cách đây 4.000 năm.

Hoá thạch Tay cuộn (Brachiopoda) có niên đại khoảng 400 triệu năm, sưu tầm tại nhiều địa danh như Hoà Bình, Hải Dương, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Bình. Tay cuộn là ngành động vật không xương sống quan trọng nhất Đại cổ sinh, có lịch sử sống lâu đời trên Trái Đất từ Kỷ Cambri (các đây 541 triệu năm) đến Neogen (cách đây 23 triệu năm) với khoảng 7.000 loài. Chúng sống ở biển, vỏ gồm hai mảnh lưng và bụng, có đặc điểm đối xứng qua đỉnh vỏ. Hoá thạch của Tay cuộn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tuổi cho các thành tạo địa chất trên Trái Đất.

Hoá thạch thực vật hạt kín có niên đại 30 triệu năm tìm thấy tại Yên Bái. Những hoá thạch này có nhiều đặc điểm gần gũi với hệ thực vật còn tồn tại đến ngày nay như họ dâu tằm, sồi, đậu. Các loại cây đang tồn tại như Phong, Nguyệt Quế, Dương Xỉ, Hoa Ban (móng bò), Bồ Đề, Duyên Mộc… đã từng có một lịch sử phát triển ngoạn mục. Chúng là một trong số nhiều thực vật đã xuất hiện từ kỷ Paleogen (kỷ đầu tiên của đại Tân Sinh) (cách đây khoảng 65 – 23 triệu năm) và để lại nhiều vết tích hóa thạch nằm trong đá.

Hoá thạch thú với hơn 1.500 mẫu, gồm xương và răng động vật có niên đại 40.000 – 8.000 năm được tìm thấy trong lớp trầm tích hang động vùng Tây Bắc.

Hoá thạch răng gấu tre (Ailuropoda Melanoleuca) có niên đại 40.000 – 10.000 năm được tìm thấy ở Điện Biên – một phát hiện mới cho thấy ở Việt Nam từng có gấu trúc sinh sống
Hoá thạch răng người Homo Sapiens có niên đại 40.000 – 30.000 năm, được tìm thấy tại Hải Dương
Hoá thạch răng Đười ươi Pornean (Pongo pygmaeus) có niên đại 40.000 – 10.000 năm, tìm thấy tại Điện Biên
Hoá thạch răng báo Hoa mai (Panthera Pardus) có niên đại 40.000 – 10.000 năm, được tìm thấy tại Điện Biên

Có thể nói lãnh thổ Việt Nam đã trải qua suốt chiều dài lịch sử Trái Đất, từ Tiền Cambri cho đến ngày nay. Từ những hòn đảo nhỏ thuở sơ khai rải rác ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc Việt Nam vào thời Tiền Cambri cho đến suốt chiều dài lịch sử địa chất, phần lớn lãnh thổ Việt Nam hôm nay chỉ trở thành đất liền vào cuối kỷ Trias, cách đây trên 200 triệu năm. Cho đến nay hoá thạch đã được tìm thấy trên đất nước ta rất phong phú và đa dạng, từ thực vật đến động vật, từ những hoá thạch được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến những bộ phận rời rạc của cơ thể sống. Mỗi mẫu vật hoá thạch được sưu tầm đều góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của nhân loại về thế giới sinh vật từng có mặt trong lịch sử Trái Đất nói chung và trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng.

Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội là chủ nhân của những bộ sưu tập hoá thạch đặc biệt có giá trị về mặt khoa học và lịch sử nói trên. Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội chia sẻ: “Bảo tàng vẫn đang trên hành trình tìm kiếm, gìn giữ, bảo tồn và làm sống lại trọn vẹn câu chuyện lịch sử tự nhiên về sự sống trên Trái Đất. Chúng tôi mong muốn kiến tạo một vùng đất cổ sinh cho hôm nay và thế hệ mai sau, truyền cảm hứng cho người trẻ tiếp cận với khoa học tự nhiên, gieo mầm cho những đam mê nghiên cứu”./.

HFM tổng hợp

Ảnh: Jundat

Cùng chủ đề

  • Tất cả bài viết
  • Tin Tức
  • Cộng Đồng
  • Khám Phá
  • Special
  • Bài viết mới nhất
  • Được xem nhiều nhất