Thứ bảy, 27/07/2024

Khu vực:

Hai mảnh vỏ (Bivalvia)

Hai mảnh vỏ (Bivalvia) là một trong những loài hoá thạch sống có lịch sử tồn tại lâu dài trên Trái Đất. Chúng xuất hiện vào giữa kỷ Cambri, khoảng 300 triệu năm trước khi khủng long có mặt.

Lớp Chân rìu hay Hai mảnh vỏ là một lớp động vật thân mềm, gồm các loài nghêu, hàu, sò nứa, trai, điệp … đã tồn tại trên Trái Đất từ hơn 500 triệu năm trước. Hai mảnh vỏ phát triển mạnh trong các thời đại Mesozoi, Kainozoi và sinh sống rất đông đúc ở các vùng biển, đại dương hiện đại; vỏ của chúng rải rác trên khắp thế giới ở cả môi trường nước mặn và nước ngọt. Tên của loài này (Bivalvia) có nguồn gốc từ cấu trúc bên ngoài của con vật, gồm có hai mảnh vỏ bảo vệ thân mềm ở bên trong. Tên gọi Chân rìu (Pelecypoda) dựa vào cấu trúc chân của con vật có hình chiếc rìu. Lớp này cũng còn được gọi là lớp Mang tấm (Lamellibranchia).

Hoá thạch hai mảnh vỏ có niên đại 34 – 23 triệu năm (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội)

Vỏ bao bọc thân mềm được cấu tạo bằng chất vôi gồm hai mảnh, phần lớn đối xứng với nhau qua bề mặt giữa hai mảnh đó. Ở một số loài sống bám đáy nằm dưới nước, mảnh bám vào đáy rất phát triển còn mảnh đối diện bị thu gọn nên vỏ mất tính đối xứng. Bên ngoài vỏ có một lớp kitin mỏng, bảo vệ chất vôi của vỏ chống lại sự ăn mòn của chất acid trong môi trường sống. Hai mảnh liên kết với nhau bằng túm dây chằng chất kitin, thường không tồn tại dưới dạng hóa thạch. Dây chằng này gồm hai lớp, bên ngoài là lớp dạng phiến chắc, có tác dụng giữ hai mảnh vỏ gắn với nhau, bên trong là dạng sợi, đàn hồi khi đóng mở hai mảnh vỏ. Ở hóa thạch thường không quan sát thấy dây chằng, chỉ khi diện bám của các dây chằng rộng thì mới có thể thấy dấu vết của chúng. Mặt ngoài của vỏ thường có tô điểm, nhưng ở một số giống mặt ngoài vỏ nhẵn, chỉ có các đường tăng trưởng để lại ở hóa thạch. Có ba loại tô điểm: đồng tâm, hướng tâm và loại kết hợp. Cấu trúc của chúng có khi đơn giản, phân nhánh hoặc phân dị thành gờ chính và gờ phụ.

Hoá thạch hai mảnh vỏ có niên đại 34 – 23 triệu năm (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội)

Hai mảnh vỏ thường đối xứng hai bên, kích thước vỏ từ dưới 01 mm đến hơn 01 m, dù đa số không vượt quá 10 cm. Loài thường được xem là động vật hai mảnh vỏ lớn nhất còn tồn tại là Tridaca gigas, có thể đạt đến chiều dài 1.200 mm với khối lượng 200 kg. Loài đã tuyệt chủng lớn nhất được biết đến là Platyceramus với hoá thạch dài 3.000 mm.

Hai mảnh vỏ là một lớp động vật không xương sống hiện diện ở hầu khắp các môi trường thuỷ sinh. Đa số là động vật sống dưới đáy nước và thường chôn mình dưới trầm tích ở đáy nước. Một lượng lớn hai mảnh vỏ được tìm thấy ở vùng triều hay gần bờ. Tại một bãi biển ở Nam Wales, một cuộc kiểm tra cho thấy có 1,44 triệu cá thể hai mảnh vỏ trên mỗi mẫu Anh (tương đương 4.046 m2).

Hai mảnh vỏ sinh sống ở vùng nhiệt đới, ôn đới và cả vùng cực. Một số có thể sống sót hay thậm chí phát triển trong môi trường khắc nghiệt.

Vào khoảng 445 triệu năm trước, sự kiện tuyệt chủng kỷ Ordovic khiến nhiều loài trong các nhóm các động vật không xương sống ở biển (động vật chân đốt, bọ ba thùy, hai mảnh vỏ và san hô) không còn tồn tại đến ngày nay.

Trong lich sử phát triển nhân loại, những vỏ sò thuộc lớp hai mảnh vỏ đã gắn liền với sự sống trên Trái Đất và đời sống văn hóa của con người.

“The birth of Venus” – bức họa nổi tiếng mô tả khoảnh khắc Nữ thần Venus tượng trưng cho Tình yêu và Sắc đẹp được sinh ra từ những cơn sóng trào của biển cả và mảnh sò lớn khổng lồ đã đưa nữ thần hướng về phía đảo Síp, Hi Lạp

Một thông tin thú vị khác minh chứng cho điều đó. Khi Homo sapiens di cư đến Trung Đông khoảng 55.000 năm trước, họ kết giao với Neanderthals – loài người đã đến Trung Đông trước đó. Các bằng chứng về di truyền cho  hai thấy hai loài có mối quan hệ giao phối với nhau. Họ biết sử dụng vỏ sò làm đồ trang sức, tạo ra các giá trị cộng đồng và gắn kết các tộc người.

Sơn Thái

Cùng chủ đề

  • Tất cả bài viết
  • Tin Tức
  • Cộng Đồng
  • Khám Phá
  • Special
  • Bài viết mới nhất
  • Được xem nhiều nhất