Thứ năm, 28/03/2024

Khu vực:

Hoá thạch Cúc đá (Ammonite)

Cúc đá (Ammonite) từng là một trong những loài động vật săn mồi vùng biển đa dạng và thành công nhất trên Trái Đất. Chúng xuất hiện trong Kỷ Devon (cách đây khoảng 420 triệu năm) hiện đã tuyệt chủng.

Phục dựng hình ảnh Cúc đá (Ammonite) và môi trường sống của chúng

Cúc đá (Ammonite) là tên gọi chỉ một nhóm các loài động vật không xương sống biển trong phân lớp Ammonoidea thuộc lớp Chân đầu có mối quan hệ gần gũi với các loài Coleoid còn sống (bạch tuộc, mực ống và mực nang).

Các nhà khoa học đã xác định được hơn 10.000 loài Cúc đá từ các hóa thạch được phát hiện gần như khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với những xúc tu giống như mực kéo dài từ lớp vỏ nhiều lớp đặc biệt, Cúc đá di chuyển theo kiểu thuỷ phản lực, phụt ra phía trước một lượng nước qua phễu. Do thói quen bơi lội tự do hoặc trôi nổi trên bề mặt biển nên khi chết đi, Cúc đá sẽ rơi xuống đáy biển và dần bị chôn vùi trong lớp trầm tích tích tụ.

Vẻ đẹp của những mẫu hoá thạch Cúc đá (Ammonite) được tìm thấy từ các nơi trên thế giới (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội)

Cách đây 6000 năm, khi chế tác công cụ đá, người nguyên thuỷ đã đập những viên cuội từ loại đá cát kết cứng chắc. Một số viên cuội chứa hoá thạch Cúc đá bên trong được họ giữ lại không sử dụng như các công cụ đá khác bởi hình thái vỏ được chạm trổ tinh vi. Có thể suy đoán những mẫu hoá thạch Cúc đá đã được sử dụng như những vật trang trí hoặc thờ cúng theo tín ngưỡng buổi sơ khai.

Về nguồn gốc tên Ammonite: Nhà vạn vật học Pliny The Elder (mất năm 79 SCN gần Pompeii, Italia) đã gọi hóa thạch của những con vật có vỏ cuộn xoắn dẹt này là Ammonis Cornua – nghĩa là sừng của Ammon – vị thần của người Ai Cập cổ đại. Vị thần đó được miêu tả trên đầu có cặp sừng của loài cừu núi (những con cừu núi hoặc dê núi thường có cặp sừng rất đẹp, uốn cong, chia khấc đều đặn).

KIỂU SỐNG CỦA CÚC ĐÁ (AMMONITE) TRONG MÔI TRƯỜNG BIỂN

Cúc đá có 3 kiểu sống: bơi lội tích cực (active swimming), trôi nổi thụ động (passively drifting) và bơi lội ở tầng đáy (near-bottom swimming). Trên thực tế, chúng ta có thể gặp hóa thạch Cúc đá cùng với các hóa thạch biển nông, như Tay cuộn, Hai mảnh vỏ, Huệ biển, Bọ ba thùy…

Chắc chắn hình dạng vỏ của Cúc đá thể hiện một trong các đặc điểm của chúng thích nghi với điều kiện sống. Bước đầu người ta đã thấy được mối liên quan của hình thái vỏ Cúc đá và kiểu sống của chúng: Kiểu vỏ cuộn khít (1), kiểu vỏ cuộn nửa ôm – cầu (2) và kiểu vỏ cuộn nửa ôm – dẹt (3). Kiểu 1 thích ứng kiểu sống trôi nổi, lang thang, kiểu 2 – trôi nổi, dịch chuyển lên xuống và kiểu 3 – bơi lội tự do.

Cúc đá có thể đã sinh sản trong các sinh cảnh gần đáy biển. Cá thể cái được cho là có thể đẻ 100 đến 500.000 trứng. Sau khi nở, cá thể Cúc đá non đã ngay lập tức tham gia vào cộng đồng sinh vật phù du đông đảo của biển. Chính giai đoạn đầu đời này giúp cho Cúc đá trở thành nhóm hoá thạch phổ biến rộng và vì thế có ý nghĩa lớn trong xác định tuổi tương đối của những tầng đá chứa chúng.

Mối liên quan giữa hình thái vỏ và kiểu sống của Cúc đá

SỰ HÌNH THÀNH HÓA THẠCH CÚC ĐÁ (AMMONITE)

Hóa thạch Cúc đá được hình thành từ vỏ của các con Cúc đá thuộc lớp Chân đầu (Cephalopoda). Nó được hình thành theo hai cách chính là (1) Thay thế và (2) Khoáng hóa. Trong cả 2 cách đó, phần của vỏ con vật hoặc được thay thể toàn bộ bằng loại vật chất khác, hoặc bị khoáng hóa từ từ, rồi cũng biến thành loại vật chất khác so với bản chất vỏ ban đầu.

Hoá thạch Cúc đá đã được phát hiện hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Tùy thuộc vào điều kiện môi trường trong quá trình hóa thạch mà khi đến tay chúng ta, hóa thạch Ammonite có thành phần vật chất rất khác nhau. Chúng có thể là quặng, là đá, là chất vô định hình, thậm chí là đá quý. Dưới đây, là một số dạng tồn tại chính của hóa thạch Cúc đá:

Cát bột kết hóa: Gần như toàn bộ hóa thạch có thành phần cát kết – bột kết. Các trầm tích hạt vụn này đã choán hết không gian mà vỏ con vật từng choán chỗ và thay thế nó hoàn toàn. Loại hóa thạch này thường có màu nâu đất, vàng, xám, không thấu quang. Chúng có kích thước từ nhỏ một vài cm đến lớn vài chục cm. Ở Việt Nam, loại hóa thạch này gặp nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Nông, trong trầm tích tuổi Jura. Hóa thạch Ammonite lớn nhất thế giới được biết cho đến nay cũng thuộc loại này, đó là loài Parapuzosia seppenradensis có tuổi Creta muộn (cách nay 100,5 – 66 triệu năm) với đường kính không đầy đủ là 1,8m, nếu đầy đủ có thể lên tới 2,5m.

Parapuzosia seppenradensis – mẫu Cúc đá lớn nhất thế giới, trưng bày tại Bảo tàng Dresden, CHLB Đức
Hoá thạch Cúc đá (Ammonite) tuổi Jura sớm có niên đại 200 – 180 triệu năm được tìm thấy tại Tây Nguyên (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội

Hematit hóa: Hematit là quặng sắt Fe2O3. Cúc đá có thể bị khoáng hóa để trở thành loại quặng sắt có màu đen tuyền này. Hematit có tỷ trọng lớn. Loại hóa thạch này thường dễ dàng bóc tách khỏi đá vây quanh để có những hóa thạch riêng biệt. Chúng được phát hiện và khai thác nhiều mỏ tại Maroc.

Hoá thạch Cúc đá Hematit hóa (ảnh: internet)

Pyrit hóa: Pyrit là sulfur sắt (FeS2). Cúc đá bị pyrit hóa mang màu vàng óng ánh rất đẹp của loại khoáng vật này. Chúng cũng có tỷ trọng lớn, dễ bóc tách khỏi đá vây quanh.

Hoá thạch Cúc đá Pyrit hóa, giống Pleurocerus, tuổi Jura, tìm được ở Nuremburg, CHLB Đức (ảnh://periodictable.com/Items/PyritizedAmmonite1/index.html)

Calcit hóa: Cúc đá chuyển hóa thành đá vôi, thường có màu từ xám sáng đến vàng, nâu, nửa thấu quang. Thường có thể tách riêng hóa thạch. Khi mài bóng trông nó như miếng sáp ong, gần giống opal, nhưng độ cứng thấp hơn và sủi bọt trong axit HCl loãng. Ở Việt Nam, gặp nhiều hoá thạch Cúc đá calcit hóa tuổi Trias tại Lạng Sơn. Những mẫu đẹp có xuất xứ từ quốc đảo Madagascare thường được đánh bóng, bóc tách lớp vỏ ngoài, để lộ các đường vách phức tạp và đẹp mắt.

Hoá thạch Cúc đá Calcit hóa (nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng hoá thạch hà Nội)

Mã não hóa (Agatized): Cúc đá chuyển hóa thành mã não, phần nhiều có nguồn gốc từ Madagascare, cũng có thể tìm thấy ở nhiều nơi khác. Đặc điểm nhận dạng là độ trong suốt (hoặc bán trong), màu vàng cho đến cam đỏ, có đường vân sinh trưởng rất rõ, thường có các tinh hốc thạch anh sót lại trong những phòng nhỏ của vỏ Cúc đá. Mẫu thường đẹp, quý và được dùng làm đồ trang sức.

Hoá thạch Cúc đá mã não hóa hóa (ảnh: internet)

Opal hóa: Cúc đá chuyển hóa thành opal – một loại silica vô định hình. Loại Ammonite này có nhiều màu sắc, có khi rất bình thường, không đẹp. Nhưng cũng có loại opal rực đỏ, được gọi là “opal lửa”, thì có sắc đẹp rực rỡ, rất quý. Cần lưu ý, phân biệt các loại hoá thạch Cúc đá calcit hóa, mã não hóa và opal hóa bằng mắt thường không dễ. Cần đến các kiến thức chuyên môn.

Hoá thạch Cúc đá opal hóa (ảnh: internet)

Ammolite: Là một loại đá quý nguồn gốc hữu cơ, lấy từ vỏ của Cúc đá hóa thạch, thường là loại calcit hóa. Đá này cấu tạo chủ yếu từ aragonit, loại khoáng chất có trong chất xà cừ của vỏ động vật Thân mềm (Mollusca), với cấu trúc vi mô kế thừa từ vỏ. Tất nhiên, để mang danh đá quý, nó phải có sắc màu rực rỡ, có hiệu ứng ánh xà cừ 7 màu long lanh. Năm 1981, Ammolite được Liên đoàn Trang sức Thế giới (CIBJO) trao danh hiệu đá quý chính thức.

Cúc đá – Ammolit (ảnh: internet)

Ngày nay hóa thạch Cúc đá rất có giá trị đối với ngành khoa học địa chất. Chúng được sử dụng làm hóa thạch chỉ mục, giúp xác định niên đại của các hóa thạch khác tìm thấy trong cùng lớp đá./.

 

HFM tổng hợp

Cùng chủ đề

  • Tất cả bài viết
  • Tin Tức
  • Cộng Đồng
  • Khám Phá
  • Special
  • Bài viết mới nhất
  • Được xem nhiều nhất