Thứ hai, 06/05/2024

Khu vực:

Bọ ba thùy (Trilobita)

Bọ Ba thuỳ được coi là một trong những dạng sống phức tạp sớm nhất trên hành tinh, là một trong những sinh vật đặc trưng quan trọng của Đại Cổ Sinh, hiện diện khắp các đại dương trong hơn 270 triệu năm. Bọ Ba thuỳ tuyệt diệt trong một cuộc đại tuyệt chủng vào cuối kỷ Permi (khoảng 252 triệu năm trước), trước khi khủng long xuất hiện.

Phục dựng môi trường sống của Bọ Ba thuỳ

Là một trong những nhóm động vật chân khớp cổ nhất hiện đã tuyệt chủng, hoá thạch lâu đời nhất của Bọ Ba thuỳ (Tilobita) được ghi nhận có niên đại từ Kỷ Cambri cách đây 521 triệu năm.

Cơ thể Bọ Ba thuỳ có nhiều đốt và khớp linh động. Hai rãnh sâu chia cơ thể ra thành 3 thùy: thùy dọc, thùy giữa và 2 thùy bên. Từ đặc điểm ngoại hình đặc trưng này chúng có tên là Bọ Ba thuỳ. Với lớp giáp kitin cứng dày bao phủ cơ thể và những cặp chân nhỏ linh hoạt trong hoạt động kiếm ăn và trốn tránh kẻ thù, Bọ Ba thuỳ là những sinh vật phát triển thành công xuyên suốt nhiều giai đoạn hình thành sự sống trên Trái Đất. Có khoảng 10 bộ Bọ Ba thuỳ với hơn 20.000 loài phân bố khắp thế giới được mô tả từ những sơ đồ hoá thạch. Ở nước ta các nhà khoa học đã tìm thấy ba loài Bọ Ba thuỳ là Ductina Vietnamica, Calvinella Walcotti và Phillipsia.

Bọ Ba thùy Ductina

Đặc điểm riêng biệt của loài Ductina Vietnamica là thân giống hình quả trứng ngược, thùy đầu và thùy đuôi hình bán nguyệt, bề mặt trơn nhẵn và cấu tạo đơn giản hơn các loài khác cùng thời. Đáng chú ý nhất, đây là loài không có mắt, sống ở tầng nước sâu 1000 – 3000m, nơi ánh sáng không thể chiếu đến và nghèo oxy. Hóa thạch Bọ ba thùy Ductina Vietnamica được đặt theo tên quốc gia – Việt Nam, nơi tìm thấy hóa thạch loài Bọ Ba thùy được biết đến rộng rãi trong giới khoa học quốc tế. Chúng sống cách đây khoảng 400 triệu năm ở kỷ Devon, dưới những đáy biển sâu nhiều trầm tích.

Hóa thạch Bọ ba thùy Ductina Vietnamica được tìm thấy tại Chợ Mới, Bắc Kạn, thuộc tuổi Devon sớm, cách đây khoảng 419 – 393 triệu năm

Bọ Ba thùy Calvinella Walcotti

Rất nhiều hóa thạch Calvinella Walcotti đã được tìm thấy tại Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang thuộc về đáy biển cổ đại thuộc kỷ Cambri muộn, cách đây khoảng 497 – 485 triệu năm. Bọ Ba thuỳ Calvinella Walcotti có nhiều gai và nốt sần nhỏ nổi ở thùy đầu, di chuyển nhanh, thùy đuôi hình bán nguyệt, là động vật ăn thịt, thị lực tốt để săn bắt mồi và lẩn trốn kẻ thù.

Hóa thạch Bọ ba thùy Calvinella Walcotti được tìm thấy tại Đồng Văn, Hà Giang thuộc tuổi Cambri, cách đây khoảng 497 – 485 triệu năm

Bọ Ba thùy Phong Điền Phillipsia

Trong lịch sử tiến hóa của Bọ ba thùy, Phillipsia thuộc bộ Proetida là những thành viên duy nhất tồn tại đến kỷ Permi muộn và đánh dấu thời kỳ tồn tại cuối cùng của Bọ Ba thùy trước khi sự kiện tuyệt chủng Permi-Trias vùi lấp loài động vật chân đốt nguyên thủy này trong những lớp trầm tích biển.

Hóa thạch Bọ Ba thuỳ Phong Điền Phillipsia thuộc hệ tầng Carbon sớm, khoảng 358 – 323 triệu năm tuổi, được tìm thấy tại Mỏ đá Phong Điền, Thừa Thiên Huế

HFM tổng hợp

Cùng chủ đề

  • Tất cả bài viết
  • Tin Tức
  • Cộng Đồng
  • Khám Phá
  • Special
  • Bài viết mới nhất
  • Được xem nhiều nhất