Thứ bảy, 11/05/2024

Khu vực:

GS Tạ Hòa Phương
Giáo sư, Tiến sĩ Địa chất học

GS.TS Tạ Hoà Phương – Người yêu đá

GS.TS Tạ Hoà Phương – Người yêu đá

Hiếm có một nhà khoa học nào lại tận tuỵ với công việc theo cách của GS.TS Tạ Hoà Phương. Tuổi tác không phải là thứ có thể giới hạn được đam mê và nhiệt huyết của vị giáo sư đã dành 49 năm cống hiến cho ngành địa chất. Đến nay Giáo sư Tạ Hoà Phương đã đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam tròn 20 năm. Ở tuổi 73 ông dừng công tác giảng dạy nhưng vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học và tham gia các chuyến thực địa vốn dĩ luôn vất vả khó khăn ngay cả đối với người trẻ tuổi.

Nhà khoa học luôn nghiên cứu đến tận cùng của vấn đề

Giáo sư Tạ Hoà Phương bén duyên ngành khoa học Địa chất vào năm 17 tuổi. Đó là một mối duyên hết sức tình cờ. Tốt nghiệp phổ thông với thành tích xuất sắc, năm 1966 ông được cử sang Liên Xô du học tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh, theo học chuyên ngành địa chất. Sau đó, năm 1972, khi trở về nước ông được phân công giảng dạy tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH quốc gia Hà Nội). “Ngày ấy đất nước còn chiến tranh, tôi cùng các bạn đồng trang lứa học tập và làm việc theo sự phân công của tổ chức. Từ chỗ không biết Địa chất là gì, thông qua quá trình học dần dần tôi bắt đầu yêu thích bộ môn khoa học này” – Giáo sư Tạ Hoà Phương lí giải. Đó hẳn là những ngày tháng đáng nhớ tiền đề cho cuộc đời nghiên cứu khoa học với những thành tựu vô cùng giá trị đối với ngành Địa chất nói chung và bộ môn Cổ sinh vật học nói riêng của nước ta.

“Năm 1988 sau khi hoàn thành công việc nghiên cứu về nhóm hoá thạch San hô vách đáy (Tabulata) cùng thầy hướng dẫn là GS.TS.NGND Tống Duy Thanh tôi được sang Pháp thực tập cao cấp một năm. Trong thời gian ở đây, xem xét tình hình nghiên cứu ở nước bạn tôi đã viết thư gửi về cho thầy Thanh, xin ý kiến về việc nghiên cứu hai nhóm hoá thạch Răng nón (Conodonta) và Vỏ nón (Tentaculites)- những vi cổ sinh bằng mắt thường không nhìn thấy. Thầy Thanh nhiệt tình ủng hộ vì lúc bấy giờ ở Việt Nam những khoảng địa tầng không chứa san hô vẫn chưa được nghiên cứu” – Giáo sư Tạ Hoà Phương trầm ngâm nhớ lại thời điểm bắt đầu của hành trình nghiên cứu dài 20 năm đối với hai nhóm hoá thạch vi sinh vật Răng nón (Conodonta) và Vỏ nón (Tentaculites) của mình. Hành trình đã đem lại thành tựu giá trị nhất cuộc đời làm khoa học của ông – xác định ranh giới thời địa tầng giữa Cacbon và Devon ở ba mặt cắt địa tầng: Cát Bà, xóm Nha và Sifan (Đồng Văn).

Tại thời điểm đó mặt cắt chuẩn của thời địa tầng giữa Cacbon và Devon trên thế giới nằm ở phía Nam nước Pháp. Câu hỏi đặt ra là ở Việt Nam có thể tìm thấy địa điểm có ranh giới trùng với ranh giới quốc tế? Tìm kiếm câu trả lời không phải là điều dễ dàng, thực tế là vô cùng khó khăn. Muốn xác định được ranh giới thời địa tầng nhà cổ sinh phải khảo sát, tìm kiếm từng chi tiết, từng xen-ti-mét trên lãnh thổ đất nước. Riêng tại Quảng Bình Giáo sư Tạ Hoà Phương đã thực hiện không dưới 10 chuyến thực địa khảo sát. “Một công việc phức tạp và tôi đã bỏ rất nhiều thời gian vào đấy” – ông miêu tả hành trình của mình bằng một nhận xét có phần quá đơn giản.

Hãy thử tưởng tượng, vì đối tượng nghiên cứu không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhà cổ sinh phải đập từng mảnh đá tại địa điểm khảo sát, về ngâm axit rồi nghiền ra tạo thành bột, soi kính hiển vi sau đó dùng một dung dịch lạnh để phân tích ra nhân tố nhẹ và nặng để cuối cùng lôi từ phần nặng ra những mẩu con vật gọi là Conodon. “Mục đích cuối cùng là phải tìm ra ranh giới thời địa tầng kia, phải đạt được nó. Tôi là người kiên trì, luôn nghiên cứu đến tận cùng của vấn đề”. Giáo sư Tạ Hoà Phương chia sẻ. Quyết tâm của ông có lẽ chính là đáp án cho điều tôi luôn muốn hỏi “Làm thế nào để giữ cho mình ngọn lửa đam mê suốt bao nhiêu năm, đối với bộ môn khoa học có đặc thù nghiên cứu rất khó khăn này?”

Nhà địa chất Việt Nam đầu tiên cũng là người cao tuổi nhất từng đi qua trọn vẹn hang Sơn Đoòng

Với vốn kiến thức được đào tạo bài bản tại trường lớp, qua thực địa cũng như thực tế nghiên cứu, Giáo sư Tạ Hoà Phương cùng đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề về địa tầng cho các tờ bản đồ địa chất khu vực, về tuổi của các thể đá trầm tích thuộc các hệ Devon và Carbon. Ông chính là người đặt tên cho một số di sản địa chất nổi tiếng như nhóm tượng Thạch Sơn Thần ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ hay hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế – danh thắng kỳ vĩ độc nhất, “đệ nhất hùng quan” của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Nhiều điểm cổ sinh, địa tầng mà Giáo sư Tạ Hoà Phương và đồng nghiệp nghiên cứu đã trở thành những điểm di sản địa chất có giá trị được nhiều người biết đến như Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với nhiều hang động nổi tiếng: Phong Nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng…

Nhắc đến vườn quốc gia Phong nha – Kẻ Bàng với hệ thống hang động nổi tiếng không thể không nhắc đến vai trò của Giáo sư Tạ Hoà Phương với những cột mốc quan trọng: Năm 2003 ông đảm nhận viết phần địa chất trong Hồ sơ Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đệ trình UNESCO xét công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Năm 2013 ông được mời tham gia với tư cách chuyên gia địa chất khu vực trong cuộc thám hiểm hang Sơn Đoòng cùng đoàn làm phim khoa học của Hong Kong TV. Năm 2018 ông thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá các giá trị nổi bật, ngoại hạng của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng qua những bức ảnh. Năm 2019 ông cho ra mắt chuyên khảo khoa học đầu tiên về hang động ở Việt Nam – “Thiên đường hang động Quảng Bình”.

Còn nhớ ngày đoàn làm phim của Hongkong TV trở về nước, chuyên gia hang động người Anh Howard Limbert đã tuyên bố: “Cho tới nay ông Tạ Hoà Phương là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên, cũng là người cao tuổi nhất từng đi qua trọn vẹn hang Sơn Đoòng”.

Đam mê nằm trong đá

Với Giáo sư Tạ Hoà Phương những câu chuyện liên quan đến chủ đề hoá thạch luôn ẩn chứa ngọn lửa đam mê kỳ lạ. “Đó là chuyến đi tìm kiếm hoá thạch cá cổ ở Hà Giang”, ông nhớ lại, “vào năm 1991”. Cá cổ vốn không phải là đối tượng nghiên cứu của Giáo sư Tạ Hoà Phương. “Và cho đến bây giờ cũng không có nhà khoa học nào ở nước ta nghiên cứu về cá cổ”.

Nhưng tại thời điểm đó, để giúp đỡ một người bạn là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu cá cổ Devon của Pháp – Philippe Janvier, Giáo sư Tạ Hoà Phương đã thực hiện một cuộc tìm kiếm tiền trạm cùng với học trò của mình, anh Đinh Xuân Quyết.

“Tại sao lại lên Hà Giang? vì trong hồ sơ địa chất có ghi chép thông tin người Pháp đã tìm ra hoá thạch cá ở Hà Giang. Tuy nhiên thông tin không có vị trí rõ ràng. Địa hình núi non rộng lớn hoá thạch cá cổ nằm ở đâu không ai có thể biết được. Hai thầy trò mò mẫm tìm kiếm trong những tầng đá vôi và sét vôi rất xa lạ so với mô tả của các tài liệu địa chất từng viết về vùng này, có những ngày đi bộ tới 32 cây số, trên lưng là ba lô với toàn bộ những thứ cần thiết như áo quần, gạo, nước, có cả hoá thạch…”. Đó hẳn là chuyến đi đáng nhớ nhất đối với Giáo sư Tạ Hoà Phương và người học trò của mình. Cuối cùng lưỡi búa của họ đã đập ra những di tích cá cổ khá nguyên vẹn trong một con hẻm giữa hai trái núi không tên. 7 đầu cá cổ hoá thạch tuổi Devon cách đây 400 triệu năm. Ánh mắt Giáo sư Tạ Hoà Phương vẫn còn lấp lánh khi nhớ về câu chuyện cách đây hơn 20 năm. Tuy không phải là người chuyên nghiên cứu về cá nhưng với vốn hiểu biết của mình ông đã mạnh dạn ghi vào nhật ký hành trình: “Tìm thấy hoá thạch cá Polybranchiaspis liaojiaoshanensis“. Xác định sơ bộ này về sau được nhà cổ ngư học Philippe Janvier – viện sỹ viện hàn lâm khoa học Pháp, xác nhận là chính xác.

Phát hiện của hai thầy trò Giáo sư Tạ Hoà Phương ngày hôm ấy được ghi nhận là lần phát hiện hoá thạch cá đầu tiên của người Việt Nam. Những mẫu vật được tìm thấy thuộc nhánh Cá giáp (Ostracodermi) đã bị tuyệt diệt trong đại Cổ sinh – những động vật có xương sống cổ xưa nhất còn để lại di tích dưới dạng hoá thạch.

Không phải nhà khoa học nào cũng có cơ hội tự hào về thành tựu của mình như thế. Những thành tựu đạt được nhờ sự bền bỉ thầm lặng hiếm có. Bản thân tôi dù đã được nghe Giáo sư Tạ Hoà Phương kể lại vẫn khó có thể mường tượng đầy đủ nhiệt huyết và mức độ cố gắng của ông trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mà ông tự mình đặt ra./.

Chân dung khác

Nhà khảo cổ
12.2.1920
Ông là nhà khảo cổ người Anh và nổi tiếng với việc khám phá và khai quật ngôi mộ của vị vua Ai Cập cổ Tutankhamun vào năm 1922.
Nhà khảo cổ
12.2.1920
Ông là nhà khảo cổ người Anh và nổi tiếng với việc khám phá và khai quật ngôi mộ của vị vua Ai Cập cổ Tutankhamun vào năm 1922.

Bình luận

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Tất cả bài viết
  • Tin Tức
  • Cộng Đồng
  • Khám Phá
  • Special
  • Bài viết mới nhất
  • Được xem nhiều nhất