Chỉ trong khoảng 30 triệu năm của thời gian Trias muộn thực vật đã đủ phát triển hưng thịnh ở nhiều nơi trên thế giới và tạo nên một hệ thực vật được gọi là hệ thực vật T3 Nori- Ret. Ở Việt Nam hệ thực vật này đã tồn tại và sinh sống trong môi trường cổ xưa vô cùng thích hợp để hình thành một rừng cây khổng lồ và trải qua quá trình trầm tích đặc biệt tạo cho chúng ta bể than Quảng Ninh lớn bậc nhất Đông Nam Á. (Trữ lượng khoảng 18, 434 triệu tấn tính đến độ sâu –
1.500 m.
Vào khoảng thời gian cuối của kỉ Trias (228-203 triệu năm trước) các lục địa của Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của tạo núi Indosinia. Tạo núi tác động đến các lục địa khiến chúng hoặc được nâng cao, hoặc bị sụt xuống. Những diện tích được nâng cao tạo thành vùng bị bào mòn, là nguồn cung cấp vật liệu cho các vùng sụt xuống. Các vùng sụt xuống có hai dạng hình thái: một dạng bị giới hạn bởi các đứt gãy thuận (normal fault) gọi là địa hào (graben) và một dạng sụt xuống tạo vùng trũng kiểu molasse. Chúng được phân biệt: trũng graben nằm trong lục địa, không liên quan đến môi trường biển; trong khi đó trũng molasse hình thành ở nơi xa hơn khu vực tạo núi, các bể molasse thường là các trầm tích có liên quan đến các đầm lầy, kênh rạch, vùng thấp ngập nước nơi gần bờ biển. Than của trũng molasse được thành tạo từ các vùng đầm lầy, nơi đã từng liên quan đến biển.
Trong các trũng kiểu địa hào thực vật phát triển trong địa hình đa dạng như: sông ngòi, ao hồ, đầm lầy hoặc nơi trũng ẩm ướt, và cả nơi hơn ít ẩm ướt hơn. Thực vật phát triển đa dạng trong môi trường như vậy, ở những nơi nước nhiều, độ ẩm đảm bảo cho các mùa, thưc vật phong phú và chúng phát triển thành rừng- là yếu tố quan trọng cho việc tạo thành các vỉa than dày, nhưng không ổn định. Các vỉa than thành tạo trong môi trường này được gọi là than limnic.
Trong các trũng kiểu molasse thực vật phát triển trên địa hình khá ổn định và môi trường có sự xen kẽ giữa lục địa và biển nên chúng tạo thành các vỉa than có chiều dày ổn định hơn, than thành tạo trong môi trường này được gọi là than paralic.
Ở Việt Nam: các địa tầng chứa than tuổi Trias muộn Nori-Ret phân bố như sau: ở đông bắc Bắc Bộ có Hệ tầng Hòn Gai (Quảng Ninh), hệ tầng Vân Lãng (Thái Nguyên), ở tây bắc Bắc Bộ có loạt Suối Bàng (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình) bao gồm hai hệ tầng: Suối Lôi và Mường Vọ (từ dưới lên); ở Trung bộ có hệ tầng Đồng Đỏ (Hà Tĩnh) và nam Trung Bộ có loạt Nông Sơn bao gồm 2 hệ tầng An Điềm và Sườn Giữa (từ dưới lên).
Dựa trên các tài liệu sinh địa tầng thu thập trong nhiều thời gian qua, các trầm tích chứa than và chứa các hóa thạch động, thực vật cho phép phân chia:
Trũng mà trầm tích của các hệ tầng chứa than Hòn Gai (Quảng Ninh), Sườn Giữa (Quảng Nam) phân bố là trũng dạng GRABEN và thanchứa trong chúng được gọi là than Limnic.
Trũng mà các trầm tích các hệ tầng: Vân Lãng, Mường Vọ (thuộc loạt Suối Bàng), Đồng Đỏ (Hà Tĩnh) phân bố là trũng dạng MOLASSE và than chứa trong chúng được gọi là than Paralic.
Từ cấu trúc của các trũng trầm tích chúng ta có thể suy đoán về môi trường trầm tích của bể than Quảng Ninh – nơi hệ tầng Hòn Gai phân bố, có các vùng mỏ than nổi tiếng như Hà Tu, Hà Lầm, Đèo Nai, Lộ Trí, Ngã Hai, Mông Dương…
Địa hào Quảng Ninh được hình thành do các hệ thống đứt gãy thuận từ lớn đến nhỏ, theo trình tự chúng là ranh giới của địa hào Quảng Ninh và các mỏ. (Chèn ảnh lát cắt địa hào Quảng Ninh).
Địa hào Quảng Ninh bao gồm địa hào Bảo Đài và Hòn Gai, có hình cánh cung kéo dài từ tây sang đông hơn 250 km: từ mỏ Linh Đức tây Tam Đảo (phía tây) sang Đông Triều -Hòn Gai- Cẩm Phả- Kế Bào (phía đông); chiều rộng nhất của địa hào cũng hơn 100 km, các đứt gãy thuận lớn là ranh giới phía bắc và phía nam địa hào, hệ thống đứt gãy thuận nhỏ hơn chia địa hào ra các khối nhỏ (như: …Đông Triều, Hồ Thiên, Mạo Khê- Tràng Bạch, Uông Bí, Yên Lập,Hòn Gai, Hà Tu, Hà Lầm, Đèo Nai, Lộ Trí …) (Chèn ảnh các vùng mỏ trong Quảng Ninh)
Tồn tại trong cấu trúc trũng địa hào nên thực vật Hòn Gai sống trong môi trường không liên quan đến biển. Trong vùng trũng có sông, suối, đầm lầy, ao hồ ngập nước quanh năm tạo điều kiện cho cây phát triển phong phú chủng loại và độ lớn.
Hóa thạch thực vật thu thập tại bể than Quảng Ninh, đặc biệt là ở các lớp trầm tích vách vỉa Dày ở Đèo Nai, Lộ Trí đã phản ánh: các đại biểu của 2 ngành Tuế (Cycadophyta) và Dương xỉ (Pteridophyta ) luôn chiếm ưu thế trong phức hệ thực vật Hòn Gai và chính thực vật của 2 ngành này là thành phần chủ yếu để tạo các vỉa than có giá trị công nghiệp. Ngoài ra sự có mặt của phong phú vết in của thực vật ngành Thân đốt (Sphenophyta) chúng phát triển cơ quan thân rễ là
bằng chứng cho thực vật bò lan trên các đầm lầy. Trong thời gian Trias muộn Nori- Ret khí hậu toàn cầu trong đó có Việt Nam nằm trong vùng cận nhiệt đới -ôn đới – nhiệt độ nóng ẩm; sang đến thời gian Ret lục địa di chuyển đến vùng nhiệt đới- cận nhiệt đới , nóng hơn và ẩm hơn, thích hợp cho thực vật phát triển. (Chèn ảnh vị trí Đông Dương trong Trias muộn của Metcalfe, 2017)
Thời kỳ Trias muộn Nori- Ret điều kiện khí hậu cổ xưa của bể than Quảng Ninh là nằm trong vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới: nóng ẩm, mưa nhiều giúp cho việc giữ nước trong các đầm hồ – đó chính là điều kiện thích hợp cho Dương xỉ và Tuế phát triển.
Một điều kì diệu của thực vật mà chúng ta thấy được là: “rừng cây cổ xưa lấy năng lượng mặt trời để sinh trưởng và tồn tại; trải qua hàng trăm triệu năm của các biến đổi địa chất năng lượng ấy được giữ gìn và bảo tồn, ngày nay rừng cây cổ xưa ấy trả lại cho chúng ta nguồn năng lượng mặt trời dưới một dạng khác hẳn -đó là than đá” Bể than Quảng Ninh và các hóa thạch thực vật chứa trong nó là bằng chứng cho sự kì diệu đó.
Ghi chú: ảnh sử dụng của Metcalfe, I., 2017 và Trần Văn Trị và nnk., 2017